Thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (ADR) (10/2023)
I/ NGUY CƠ SUY THẬN CẤP DO SỎI THẬN SAU KHI SỬ DỤNG CEFTRIAXON
Nguồn: Bản tin Cảnh giác dược số 2-3/2023
Ceftriaxon được sử dụng rất phổ biến trên lâm sàng do có ưu điểm như không cần hiệu chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận và có thời gian bán thải kéo dài nên chỉ cần sử dụng 1 lần trong ngày. Mặc dù không cần hiệu chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận nhưng ceftriaxon vẫn có nguy cơ gây suy thận cấp theo cơ chế khác biệt. Trong khi độc tính trên thận của các kháng sinh cephalosporin thường liên quan đến viêm thận kẽ, các trường hợp suy thận cấp do ceftriaxon lại thường bị nghi ngờ do sỏi thận [7]. Nhiều trường hợp sỏi thận sau khi sử dụng ceftriaxon đã được báo cáo trên thế giới [2], [3]. Tại Việt Nam, mặc dù chưa có thống kê đầy đủ, một số ca suy thận cấp, trong đó có phát hiện sỏi, liên quan đến ceftriaxon ở bệnh nhân nhi cũng đã được Trung tâm DI & ADR Quốc gia ghi nhận.
Bệnh nhân K., 5 tuổi, 29 kg được chỉ định ceftriaxon với liều 2g/lần x 1 lần/ ngày để điều trị viêm amydal cấp, nhiễm trùng huyết.
Ngày 4/6/2023, bệnh nhân bắt đầu được truyền tĩnh mạch ceftriaxon. Kết quả siêu âm ổ bụng ngày 4/6 của bệnh nhân không có sỏi mật.
Ngày 6/6, bệnh nhân xuất hiện đau bụng quanh rốn.
Ngày 7/6, bệnh nhân siêu âm lại ổ bụng và thấy xuất hiện sỏi bùn túi mật. Bệnh nhân xuất hiện tiểu hơi cặn, tiểu ít, đi tiểu đau nhiều có máu. Đến 19h51 ngày 7/6, bệnh nhân mi mắt hơi nề, chưa đi tiểu được.
Ngày 8/6 siêu âm bàng quang ít nước tiểu, trẻ vẫn chưa đi tiểu được. 6h22 ngày 8/6, bệnh nhân đau quặn bụng nhiều, sau đó, được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán suy thận sau thận do lắng đọng canxi.
Khoảng 50 - 60% ceftriaxon ở dạng nguyên vẹn được thải trừ qua nước tiểu [1]. Kết quả thử nghiệm với nước tiểu nhân tạo cho thấy, ceftriaxon ở nồng độ điều trị có thể kết tinh với calci tự do trong nước tiểu. Các tinh thể này có thể bám chặt vào bề mặt tế bào ống thận [4]. Thêm vào đó, một nghiên cứu khác khảo sát nồng độ calci/creatinin trong nước tiểu ở 83 bệnh nhi còn cho thấy, ceftriaxon làm tăng rõ rệt bài tiết calci qua nước tiểu [6]. Chính sự tăng bài tiết calci và hình thành sỏi do kết tinh với calci đã gây lắng ở ống thận và dẫn đến suy thận cấp sau thận.
Tủa ceftriaxon - calci thường được ghi nhận xảy ra trong túi mật và gây giả sỏi mật (biliary pseudolithiasis), đặc biệt trên đối tượng bệnh nhân nhi và sử dụng liều ≥ 1 g/ngày [1], [5]. Tủa ceftriaxon - calci gây sỏi ở đường tiết niệu ít gặp hơn, với tỷ lệ được báo cáo ở trẻ em khoảng 1,4% [8]. Trong một nghiên cứu trên 156 trẻ sử dụng ceftriaxon với nhiều chế độ liều khác nhau, 27 trẻ (17%) phát hiện sỏi trong đường mật so với chỉ 1 trẻ (0,6%) phát hiện sỏi trong đường tiết niệu [5].
Trong một tổng kết trên 31 trẻ suy thận sau khi sử dụng ceftriaxon, trong đó 11 trẻ xuất hiện sỏi niệu quản, các triệu chứng chính thường gặp ngoài vô niệu bao gồm đau mạn sườn (với trẻ trên 3 tuổi), khóc nhiều (với trẻ dưới 3 tuổi) và nôn [7]. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp phát hiện sỏi sau khi sử dụng ceftriaxon nhưng không xuất hiện triệu chứng bất thường trong thời gian sử dụng thuốc. Các kết quả xét nghiệm creatinin, ure và calci trước và sau điều trị cũng đều nằm trong khoảng giá trị bình thường [2].
Siêu âm thường được khuyến cáo ở bệnh nhân có triệu chứng bất thường nhằm phát hiện sỏi thận [1]. Qua siêu âm 31 trẻ suy thận cấp sau khi sử dụng ceftriaxon, phát hiện 11 trẻ có sỏi niệu quản, với kích thước trung bình là 3 mm. Bằng phân tích khối phổ song song, ceftriaxon được xác định là thành phần chính của sỏi ở 4 trẻ [7]. Trong một nghiên cứu khác, kích thước sỏi được phát hiện sau khi dùng ceftriaxon cũng tương đối nhỏ, với trung bình khoảng 2 mm [2]. Thời gian phát hiện sỏi trong khoảng 10 - 20 ngày nhưng cũng có sự khác nhau khá nhiều giữa các nghiên cứu [2], [8].
Về điều trị, hiện không có điều trị đặc hiệu trong các trường hợp này, chủ yếu là điều trị hỗ trợ bao gồm sử dụng thuốc làm giãn niệu quản, giảm co thắt, giảm phù nề ở khung chậu thận và và niệu quản, đồng thời, phòng ngừa các biến chứng như nhiễm toan và nhiễm trùng đường tiết niệu [7].
Sau khi ngừng thuốc, sỏi có thể tự tan hoặc bị tống đẩy ra ngoài. Các sỏi kích thước nhỏ có thể được thải trừ dễ dàng qua đường tiết niệu ngay trong tuần đầu sau khi ngừng thuốc nhưng với các sỏi có kích thước lớn hơn, có thể mất hàng tháng để sỏi thải ra ngoài [8]. Trong trường hợp sỏi cứng chắc và gây tắc đường tiết niệu, không đáp ứng với thuốc, có thể đặt ống thông niệu quản ngược dòng một bên hoặc hai bên [7]. Sự hình thành sỏi sau khi dùng ceftriaxon chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nguy cơ như ứ đọng nước tiểu, tiền sử gia đình, các bất thường về chuyển hóa (như tăng calci máu), pH nước tiểu bất thường, nhiễm trùng, nhiệt độ cao, lưu lượng nước tiểu thấp, sử dụng thuốc liều cao và kéo dài, tỷ lệ thuốc bài tiết qua nước tiểu lớn và các thuốc dùng đồng thời [8].
Một số báo cáo ca cho rằng liều cao ceftriaxon làm tăng nguy cơ xuất hiện sỏi nhưng có nghiên cứu lại cho thấy sỏi thận được hình thành ở cả bệnh nhân dùng chế độ liều thường dùng và liều cao của ceftriaxon [2]. Độ tuổi cũng có thể được cân nhắc là một yếu tố liên quan. Đa số các nghiên cứu và báo cáo ca về sỏi đường tiết niệu sau khi dùng ceftriaxon tập trung vào đối tượng trẻ em, tuy nhiên, biến cố này cũng đã được ghi nhận trên cả người lớn [3]. Trong một tổng quan hệ thống mới công bố gần đây, nửa số trẻ em phát hiện sỏi đường tiết niệu sau khi dùng ceftriaxon có độ tuổi dưới 3 [8].
Tóm lại, suy thận cấp nghi ngờ do sự hình thành sỏi trong đường tiết niệu đã được ghi nhận sau khi sử dụng ceftriaxon, nhất là ở bệnh nhân nhi. Các bệnh nhân có tiền sử sỏi thận hoặc tăng calci niệu nên được đánh giá nguy cơ - lợi ích cẩn thận trước khi sử dụng ceftriaxon [1]. Những bệnh nhân sử dụng liều cao, kéo dài ceftriaxon nên được giám sát chặt chẽ các xét nghiệm chức năng thận và siêu âm, ít nhất trong cuối tuần đầu tiên điều trị bằng thuốc này [2]. Ngoài ra, một số tác giả gợi ý, ở những đối tượng nguy cơ cao hình thành sỏi hoặc tổn thương thận do ceftiaxon, việc theo dõi nồng độ calci/creatinin nước tiểu có thể đem lại lợi ích [6]. Trong trường hợp có hình thành sỏi, việc ngừng ceftriaxon cũng có thể giúp người bệnh phục hồi do xử trí kịp thời có thể giúp sỏi tự tan [8].
II. BÁO CÁO ADR TẠI TTYT HUYỆN GÒ QUAO THÁNG 10/2023
Trong tháng 10/2023 không ghi nhận trường hợp xảy ra phản ứng có hại của thuốc (ADR).
III. THU HỒI GIẤY ĐĂNG KÝ LƯU HÀNH THUỐC, THU HỒI THUỐC LƯU HÀNH TRÊN THỊ TRƯỜNG THÁNG 10/2023
1. Căn cứ công văn số 3196/SYT-NVYD của Sở Y tế Kiên Giang ngày 25 tháng 9 năm 2023 về việc thu hồi sản phẩm Serum Burst Lotion Diếp Cá siêu kích trắng – lọ 250g không rõ nguồn gốc xuất xứ theo công văn số 9453/QLD-MP ngày 19/09/2023 của Cục Quản lý Dược.
Tiến hành rà soát, ngừng ngay việc lưu thông, kinh doanh, sử dụng sản phẩm Serum Burst Lotion Diếp cá siêu kích trắng - lọ 250g bị thu hồi do không rõ nguồn gốc xuất xứ theo thông báo của Cục Quản lý Dược tại Công văn số 9453/QLD-MP ngày 19/09/2023 và trả về cơ sở cung ứng sản phẩm.
2. Căn cứ công văn số 9856/QLD-MP ngày 24/10/2023 của Cục Quản lý Dược về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lộ sản phẩm Asia Whitening Cream With SPF 50 PA++ - Hộp 1 tuýp 50g, Số lô: 011122; NSX: 28/11/2022; HSD: 28/11/2025; Số CB: 147/22/CBMP-HD; Nhà sản xuất: Công ty cổ phần công nghệ thảo dược Green Asia, địa chỉ: Thửa đất số 11+12 đường Phan Đình Phùng, phường Cẩm Thượng, Tp. Hải Dương, tỉnh Hải Dương; Công ty chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm: Công ty TNHH thương mại Thành Công, địa chỉ: Số nhà 14, phố Chương Mỹ, phường Trần Phú, Tp. Hải Dương, tỉnh Hải Dương.
Lý do thu hồi: Mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm theo quy định.
3. Căn cứ công văn số 9908/QLD-MP ngày 26/10/2023 của Cục Quản lý Dược về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lộ sản phẩm Nước tắm gội thảo dược Dr. Papie – Hộp 1 chai 230 ml (Số lô: 082021; NSX: 25/11/2021; HSD: 25/11/2024; Trên nhãn ghi thông tin: Số công bố 5088/19/CBMP-HN; Công ty chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường: Công ty cổ phần tập đoàn dược phẩm Starmed, địa chỉ: C12-TT6, Khu đô thị Văn Quán-Yên Phúc, phường Phúc La, quận Hà Đông, TP. Hà Nội; Nhà sản xuất: Công ty cổ phần Grandstar Quốc tế, địa chỉ: BT 1.1 Khu đô thị Tây Mỗ, phường ' Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội).
Lý do thu hồi: Mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm theo quy định.
4. Căn cứ công văn số 9907/QLD-MP ngày 26/10/2023 của Cục Quản lý Dược về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
1. Đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lộ sản phẩm Gel vệ sinh phụ nữ Oganic Lucky Rose – Chai 180 ml (Số lô: 080; NSX: 16/07/22; HSD: 16/07/25; Số công bố 3893/18/CBMP-HN; Công ty chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường: Công ty cổ phần đầu tư Kim Long, địa chỉ: Lô 2A, Khu Liên Cơ, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội; Nhà sản xuất: Công ty TNHH dược phẩm Fusi, địa chỉ: Cụm công nghiệp Thanh Oai, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội).
Lý do thu hồi: Mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm theo quy định.
|